Hàng trăm website Việt Nam bị tấn công

Chỉ trong một tuần trở lại, các diễn đàn bảo mật đã thống kê được hàng trăm website Việt Nam đã bị hacker tấn công, trong đó có không ít các website của cơ quan nhà nước (.gov.vn).

Chỉ cần lên google và search với từ khóa "gov.vn", bất kì ai cũng dễ dàng thấy được số lượng website các ban ngành bị tấn công trong thời gian qua khá nhiều

Theo website zone-H – trang web chuyên "điểm mặt" các website bị tấn công – chỉ trong ngày 2 ngày 6/6-7/6/2011 đã có đến gần 300 website của VN bị tấn công bởi hai nhóm hacker CmTr và brwsk007. Trong số đó, có nhiều trang web .gov.vn của các cơ quan nhà nước như Sở KHCN Tiền Giang, Hải quan Đồng Nai hay website công báo của tỉnh Sơn La… đã bị hacker đột nhập ghi điểm.

Trong khá nhiều vụ tấn công, hacker để lại thông điệp bằng tiếng Trung hoặc cả hình ảnh cờ Trung Quốc. Trên một số diễn đàn công nghệ quốc tế, rất nhiều ý kiến cho rằng đây là hành động trả đũa của hacker Trung Quốc nhằm vào các website Việt Nam, sau khi một số website Trung Quốc bị hacker tấn công. Tuy nhiên, không ít các website của Việt Nam bị tấn công bởi những hacker đến từ Thổ Nhĩ Kì hay Ý.

Nhiều website của Việt Nam đã bị hacker tấn công và bêu danh trên website Zone-H.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT (BộTT&TT) cho biết, thời gian gần đây liên tục có những đợt tấn công mạnh các website Việt Nam của hacker, trong đó dấu hiệu bên ngoài thể hiện là hacker Trung Quốc. Ngoài ra, bản thân các website của Trung Quốc cũng có dấu hiệu bị hacker Việt Nam tấn công.

Khi được hỏi về khả năng xảy ra chiến tranh mạng, ông Khánh cho rằng, các cuộc tấn công mới chỉ dừng lại ở các cá nhân hacker lẻ tẻ và chưa thấy có dấu hiệu chứng tỏ sẽ bùng phát thành chiến tranh mạng.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng BKAV, nhìn bề ngoài thì các cuộc tấn công vào các website trong nước thời gian gần đây mới chỉ dừng lại ở hình thức thay đổi toàn bộ giao diện (deface) để muốn ghi điểm, cảnh cáo nhưng chưa thể khẳng định được đã chiếm đoạt được máy chủ hay chưa vì nhiều lỗi cho phép hacker có thể gửi (upload) file lên mà không qua kiểm duyệt.

Trên diễn đàn, một số ý kiến khẳng định danh sách website bị tấn công nhiều như vậy là do hacker đã chiếm được một máy chủ của một nhà cung cấp dịch vụ hosting để từ đó tấn công giao diện hàng loạt website trên đó. Về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật đề nghị không nêu tên khẳng định, đúng là trong số những website Việt Nam bị tấn công có rất nhiều website nằm trên cùng một máy chủ, do các hacker kiểm soát được 1 website, từ đó chiếm đoạt được máy chủ rồi lan sang những website khác và cả những website nằm trên máy chủ rời rạc. "Tuy nhiên, hình thức tấn công các website nằm trên cùng một máy chủ vẫn nhỉnh hơn", chuyên gia này cho biết thêm.

Cách đây vài ngày, một số website của Công ty Phân phối FPT cũng bị hacker tấn công làm thay đổi toàn bộ giao diện. Đến thời điểm này, một số website bị tấn công của FPT vẫn ngừng hoạt động và một số địa chỉ được trỏ tới địa chỉ khác. Kẻ tấn công vào các website của FPT, công ty CNTT hàng đầu Việt Nam, vẫn chưa bị phát hiện.

M.N (Theo ICTnews)