Ấn Độ và những điều bất ngờ ít người biết

Ấn Độ không chỉ là quốc gia đông dân nhất mà còn là thị trường điện ảnh, vũ khí hay lao động thuê ngoài hàng đầu thế giới.

Ấn Độ nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới

Nhiều người nhầm tưởng các quốc gia có tình hình chính trị, quân sự như Afghanistan hay Iraq dẫn đầu thế giới về khối lượng nhập khẩu vũ khí.

Tuy nhiên, sự thật thì Trung Quốc và Ấn Độ – 2 người khổng lồ đang thức giấc của Châu Á mới là những quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này với tỷ lệ nhập khẩu lần lượt là 9% và 7%.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), giá trị nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đã tăng gấp đôi từ 1,04 tỷ USD năm 2005 lên 2,1 tỷ USD năm 2009.

Trong số các vũ khí được nhập về Ấn Độ trong giai đoạn này, đáng kể nhất là 82 máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI, xe tăng T-90 của Nga và một hệ thống cảnh báo không lưu A-50/Phalcon của Israel.

Khoảng 1/3 người nghèo trên thế giới sống ở Ấn Độ

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), ước tính thế giới có khoảng 1,4 tỷ người sống dưới mức nghèo đói. Trong đó Ấn Độ chiếm 1/3, tương đương khoảng 456 triệu người.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc 42% dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới sống dưới chuẩn nghèo đói của thế giới là 1,25 USD/ngày.

Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực rất nhiều trong công tác chống nghèo đói nhưng tốc độ giảm tỷ lệ người sống dưới mức nghèo đói ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đang chậm lại.

Công nhân Ấn Độ sẽ chiếm 1/4 lực lượng lao động thế giới

Tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 15-59 tại Ấn Độ đã tăng từ 53,3% lên 56,9%. Điều này có nghĩa là hơn 3% trong hơn 1,2 tỷ người Ấn Độ (số liệu do Ngân hàng thế giới công bố năm 2009) đã tham gia thị trường lao động.

Theo báo cáo chính thức, số lượng lao động Ấn Độ năm 2011 sẽ đạt 526 triệu người, tăng khoảng 11% so với 472 triệu người năm 2006 và sẽ chiếm 1/4 lực lượng lao động thế giới trong 3 năm tới.

Giá bất động sản Mumbai ở Delhi tăng gấp đôi trong 18 tháng qua

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch ở 2 thành phố lớn này đã giảm 1/3 trong năm nay.

Giá nhà đất tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ tăng vọt. Ngân hàng Trung ương nước này đã phải tăng lãi suất 6 lần trong năm nay để kiểm soát tình hình.

Tuy nhiên, giá nhà đất tại đây có thể sẽ giảm trong thời gian tới khi 4,6 triệu m2 sàn được gia nhập thị trường trong 18 tháng tới, theo nhận định của CBRE.

Một nửa giá trị lao động thuê ngoài trong ngành IT thế giới thuộc về Ấn Độ

Nước Mỹ và Châu Âu là những khách hàng lớn nhất của Ấn Độ, lần lượt chiếm 60% và 31% trong ngành công nghiệp trị giá 47 tỷ USD này.

Trong đó, dịch vụ tài chính chiếm 41%, công nghệ cao và viễn thông chiếm 20%, sản xuất 17% và bán lẻ 8%.

Đáng ngạc nhiên nhất là riêng nhà bán lẻ khổng lồ Walmart đã mang lại khoảng 1 tỉ USD nhân công thuê ngoài trong lĩnh vực quản lí cho Ấn Độ.

Khối lượng xoài ở Ấn Độ tương đương với trọng lượng 80.000 con cá voi xanh

Năm vừa qua, quốc gia châu Á này sản xuất 12 triệu tấn xoài, chiếm 50% sản lượng xoài trên thế giới. Các quốc gia tiếp theo trong danh sách này lần lượt là Trung Quốc, Thái Lan, Mexico, Pakistan, Philippines, Indonesia…

Cherrapnuji của Ấn Độ là khu vực ẩm ướt nhất thế giới

Lượng mưa hàng năm của khu vực này lên tới 10,795m (tương đương 425 inches), tập trung chủ yếu từ tháng 4 tới tháng 9 hàng năm.

Thị trường phim Ấn Độ lớn hơn so với cả thị trường Mỹ và Canada cộng lại

Riêng tiền bán vé tại thị trường này năm 2010 đã lên tới 3,2 tỷ USD với giá vé trung bình chỉ 55 cent.

Trong khi đó, tại Mỹ, giá vé trung bình cao gấp gần 14 lần, khoảng 7,5 USD.

Các hãng phim nổi tiếng thế giới như Twentieth Century Fox, Walt Disney… đều hướng về thị trường lớn nhất thế giới này. Thậm chí các nhà sản xuất còn sản xuất phim bằng tiếng Hindi và dàn diễn viên người Ấn để tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Theo baomoi.com