Muốn thành công trong ngành IT: Đừng quan tâm đến bằng đại học

Tôi không khuyên bạn bỏ học đại học giống như Bill Gates, nhưng với một ngành đặc biệt như công nghệ thông tin, bí quyết thành công không phải là tấm bằng đại học, mà là một điều khác…

Aspires Minds National Employment (AMNE), một công ty chuyên đánh giá năng lực nhân sự toàn cầu, mới đây vừa phát hành một báo cáo về thực trạng năng lực kĩ sư ngành IT trên thế giới, báo cáo xoay quanh năng lực các kĩ sư CNTT của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ; 3 quốc gia có tỉ trọng nhân lực lớn nhất trong ngành lập trình phần mềm.

Những số liệu gây sốc…

Việc chính của lập trình viên là viết mã, tất nhiên; báo cáo AMNE chia năng lực lập trình ra làm nhiều cấp độ, từ cấp cao nhất là viết mã hoàn hảo, viết mã với một chút cẩu thả, viết mã nhiều lỗi; cho đến cấp kém nhất là … viết không nổi đoạn mã ra hồn.

  • Yêu cầu tưởng như đương nhiên “viết mã đúng chức năng và đúng logic đã mô tả”; chỉ 2,1% lập trình viên Trung Quốc đạt yêu cầu này, con số của Mỹ là 18,8%.
  • Yêu cầu được “hạ chuẩn” một chút, chỉ cần viết mã đúng, có thể có một ít lỗi hiếm; thêm 15,3% lập trình viên của Mỹ đạt yêu cầu còn Trung Quốc chỉ thêm được 0,5% mà thôi.
  • Mức độ giữa giữa, lập trình ở trình độ cơ bản, phạm nhiều lỗi cơ bản: 81% lập trình viên Trung Quốc, 61,8% lập trình viên Mỹ.
  • Có đến 10,4% kĩ sư IT người Trung Quốc bị đánh giá là lập trình kém, không viết nổi một đoạn mã; con số này chỉ 4,1% đối với kĩ sư CNTT người Mỹ.

Báo cáo của AMNE tương đối gây sốc với các chuyên gia giáo dục, bởi kết quả “đầu ra” của đào tạo kĩ sư xem ra khá tệ hại. Giới làm công nghệ thông tin lại tỏ ra khá bình thản, họ hoàn toàn hiểu được thực tế này, thậm chí nhiều doanh nghiệp phần mềm đã phải đối phó với tình trạng này trong rất nhiều năm trở lại đây.

Ngành phát triển nóng, lợi và hại gì?

Trong vòng 30 năm gần đây, lập trình phần mềm và rộng hơn là công nghệ thông tin đã phát triển rất nóng, nhiều công ty trở thành khổng lồ và nhiều tỉ phú xuất thân từ giới lập trình, nhu cầu nhân lực rất lớn và sẽ ngày càng tăng cao hơn. Các công ty thiếu hụt nhân lực đến độ vào năm 2013, Bill Gates và Mark Zuckerberg cùng nhau đăng một video kêu gọi học sinh Mỹ hãy học lập trình.

Một dự báo nhận lực ước tính đến năm 2025, nước Úc thiếu hụt 100.000 lập trình viên; Việt Nam thiếu hụt khoảng 200.000 coder; còn ở Mỹ, con số này gấp năm lần, 1 triệu người.

Việc nhu cầu nhân lực nóng dẫn đến mặt bằng lương tăng cao và mời gọi nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ tham gia ngành này, nhưng nó cũng có nhiều hệ quả bất lường khác.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy là sinh viên trở nên lười biếng hơn, do không bị áp lực phải học giỏi, tại sao ta phải cố gắng khi mà ra trường là được săn đón? Điều tiếp theo còn tệ hại hơn nữa, đó là các trường đại học cũng không có nhiều động lực chuyển đổi khi mà chẳng phải làm gì thì sinh viên trường dễ dàng tìm được việc làm đúng ngành nghề.

Hệ quả hợp lại là chương trình đào tạo kĩ sư phần mềm đang trở nên tụt hậu so với nhu cầu thực tế. Chất lượng đi xuống dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lại càng tăng lên để lấp chỗ trống, và nhu cầu tuyển dụng tăng lại bắt đầu vòng tuần hoàn đi xuống tiếp theo.

Nhân lực công nghệ thông tin đang vô cùng nóng (ảnh chụp tại một cuộc thi lập trình)

Báo cáo AMNE đã trình bày đúng bức tranh đào tạo kĩ sư IT ở 3 cường quốc thế giới, vậy bức tranh ở Việt Nam thì sao? Có lẽ không khác Trung Quốc là mấy, thậm chí nhiều gam màu tối hơn. Một số chuyên gia có tiếng trong ngành (ở Việt Nam) cho rằng kĩ sư IT loại khá-giỏi ở Việt Nam chỉ khoảng 1-2%, còn kĩ sư không có năng lực lập trình vào khoảng 50-60%. Trong một bài phát biểu ngày 30/3/2019, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết chỉ 30% cử nhân CNTT ra trường có thể làm việc được ngay, 70% phải đào tạo lại.

Điều gì tạo nên chất lượng của chương trình đào tạo?

Rõ ràng có sự vượt trội trong chất lượng đào tạo kĩ sư phần mềm ở Mỹ so với các quốc gia còn lại, nhưng lý do nằm ở đâu? Nội dung của báo cáo AMNE cũng chỉ ra 2 vấn đề lớn nhất của hệ thống đào tạo lập trình viên tại Ấn Độ và Trung Quốc:

  1. Chỉ 3% sinh viên được đào tạo những công nghệ mới phù hợp với nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, học máy, khoa học dữ liệu,…
  2. Chỉ 7% sinh viên có làm một dự án nào đó trước khi tốt nghiệp.

Nhận xét rút ra từ hai vấn đề trên là các chương trình đào tạo đại học đang không theo kịp với nhu cầu thực tế thị trường; không có sự đổi mới trong chương trình đào tạo, và không có sự gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp.

Đào tạo đại học ở Việt Nam cũng gặp vấn đề tương tự, các chương trình đào tạo thường được thiết kế từ hàng chục năm trước và hầu như không thay đổi gì nhiều. Chẳng hạn như giáo trình của một trường đại học hàng đầu vẫn còn dạy lập trình flash là một công nghệ web cổ điển đã bị khai tử.

Ngay cả khi trường đại học muốn đổi mới chương trình cũng vô cùng khó thực hiện, vì lực lượng giảng viên trong trường không có kinh nghiệm với công nghệ mới, còn việc kết hợp với doanh nghiệp phần mềm để giảng dạy thì lại gặp rào cản là giảng viên của doanh nghiệp không đạt chuẩn đứng lớp ở bậc đại học.

Sự chậm trễ trong đổi mới của các trường đại học đem lại ưu thế lớn cho các chương trình đào tạo online hoặc đào tạo chuyên môn như Aptech hoặc Arena. Không phải ngẫu nhiên những đơn vị này có rất nhiều sinh viên theo học. Lý do vô cùng đơn giản: Những chương trình này đổi mới nội dung hàng năm và giảng viên đứng lớp của họ là những chuyên gia đã làm việc nhiều năm trong ngành.

Bằng đại học có giúp được gì bạn trong ngành CNTT?

Câu trả lời là KHÔNG, không phải chỉ ở Việt Nam, Ấn Độ hay Trung Quốc; mà ngay cả ở Mỹ.

Bài viết mới đây trên Glassdoor tiết lộ hầu hết các ông lớn trong ngành công nghệ như Apple, Google, IBM,… đã bỏ yêu cầu bằng cấp trong tuyển dụng. Trên Quora, một nhân viên cao cấp của Google tiết lộ bộ phận tuyển dụng của Google không quan tâm đến điểm số ứng viên, họ chỉ quan tâm đến thái độ và kiến thức thực tế của người được phỏng vấn mà thôi.

Tại Việt Nam, trong khi hầu hết các doanh nghiệp phần mềm chỉ cần ứng viên có năng lực chuyên môn, một vài cơ quan nhà nước vẫn yêu cầu đầu vào là bằng đại học. Vấn đề duy nhất là những cơ quan nhà nước này hầu như không có cơ hội phát triển năng lực chuyên môn dành cho dân IT.

Thêm nữa, chương trình đào tạo 5 năm của bậc kĩ sư cũng bị xem là quá dài. Một sinh viên vừa ra trường ở Hà Nội đã gặp lại bạn học cấp 3 trong buổi phỏng vấn xin việc và kể lại: “Tôi vào đại học, nó đi học lập trình. Tôi bắt đầu học lập trình C, nó ra trường làm lập trình viên. Tôi ra trường đi xin việc, nó ngồi phỏng vấn!”.

Lời giải nào cho bài toán nhân lực?

Với một ngành thay đổi quá nhanh như CNTT, những chương trình đào tạo lớp lang cẩn trọng “từ từ mà tiến” ở bậc đại học xem ra không thể đáp ứng được nhu cầu; các nhà tuyển dụng cũng “chán” không yêu cầu bằng cấp gì cả; lợi thế lớn đang nghiêng về các chương trình đào tạo chuyên ngành.

Những chương trình đào tạo thích ứng với nhu cầu của ngành đang trở nên phổ biến và dần dần sẽ thay thế lề lối đào tạo cũ; kỉ nguyên này được bắt đầu với những sản phẩm đào tạo mở dựa trên nhu cầu của ngành. Chỉ sau vài năm, học viên hoàn thành các khóa trên Coursera thậm chí còn được đánh giá cao hơn kĩ sư CNTT khi tuyển dụng trong ngành AI vì start-up này liên tục cập nhật nội dung đào tạo của họ. Hoặc như chương trình lập trình viên quốc tế Aptech của Ấn Độ, với khung chương trình hoàn toàn dựa trên yêu cầu từ các doanh nghiệp phần mềm và yêu cầu sinh viên phải hoàn thành 4 project mới có thể tốt nghiệp.

Không phải tự nhiên các doanh nghiệp phần mềm đang loại bỏ yêu cầu bằng cấp trên lá đơn xin việc và thay thế việc săm soi bảng điểm bằng những bài test chuyên môn; thực tế đã dạy họ rằng, những người thành công trong ngành này không phải vì có tấm bằng đại học loại giỏi, mà là vì các bạn đó sẵn sàng bỏ học đại học, để ngồi làm project.

Tham khảo: