Gia công phần mềm của VN: 6 năm nhìn lại!

Những dự báo về sự dịch chuyển thị trường gia công phần mềm (outsourcing) cũng như nhu cầu nhập khẩu lớn phần mềm của khu vực Âu Mỹ và Nhật Bản đã mở ra cánh cửa hy vọng cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (DNPMVN). Sau 6 năm theo đuổi, họ đã thực sự nắm bắt được cơ hội?

 
 

Theo dự báo đến năm 2007, các công ty Âu Mỹ và Nhật Bản sẽ phải chi tới 27 tỷ USD để outsourcing trên khắp thế giới. Cũng theo dự báo, Ấn Độ, cường quốc về outsourcing sẽ chỉ có khả năng đáp ứng phân nửa nhu cầu này. Điều này sẽ có lợi cho Việt Nam cũng như những nước có khả năng thay thế nhờ các lợi thế so sánh.

Một tính toán khác về thị trường Nhật Bản cho thấy doanh số của thị trường này khoảng 140 tỷ USD/năm, chiếm 20% thị phần thế giới với giá trị nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD. Nếu DN VN có được 10% của giá trị này, tức đã đạt 300 triệu USD/năm.

Giấc mơ bạc tỷ khó thành!

Bế tắc trước sự phát triển chậm chạp của thị trường trong nước, nhiều công ty phần mềm đã ngả sang phong trào outsourcing. Một viễn cảnh xán lạn được mở ra với các công ty phần mềm VN.

Từ công ty nhỏ đến công ty lớn đều rục rịch tuyển quân, xây dựng các nhóm làm outsourcing. Nhỏ thì vài ba người, lớn hằng chục, hằng trăm lập trình viên (LTV). Trăm con mắt, trăm mối quan hệ bắt đầu được căng ra để tìm kiếm các hợp đồng, dự án outsourcing từ nước ngoài.

Với vai trò đầu mối, Hiệp Hội DNPMVN (VINASA) cũng tổ chức liên tiếp các chuyến thăm, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa DN VN với các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, sau các cuộc giao lưu, hội thảo rầm rộ, hầu hết các DN phần mềm Việt Nam đều cảm thấy mệt mỏi và thất vọng. Kết quả các cuộc gặp gỡ cho dù đến lần thứ 3-4 vẫn chỉ dừng ở việc trao đổi danh thiếp, thăm dò khả năng chứ chưa có tín hiệu gì.

Một nguồn tin từ IBM cho biết, hãng này đang có kế hoạch gia tăng giá trị hợp đồng outsourcing tại Việt Nam. Kể từ năm 2002, IBM bắt đã bắt đầu thuê một số công ty Việt Nam làm các công đoạn về phát triển phần mềm cho IBM. Có 3 công ty Việt Nam tham gia hợp đồng này với số lượng khoảng 150 LTV và doanh số khoảng 3 triệu USD/năm.

Sau 6 năm hô hào và chạy theo phong trào, kết quả chỉ lắng lại ở một vài DN lớn, có khả năng đeo bám dài hơi chứ không hẳn là "cơ hội vàng" cho tất cả.

Cho đến thời điểm này, có rất ít DNPMVN được lựa chọn cơ hội. Các dự án outsourcing mà DNVN có thường theo kiểu quen biết hoặc qua kênh truyền thông, giám đốc một công ty phần mềm nhận xét. Khá nhiều DNPMVN chấp nhận làm outsourcing trên một vài mối quen biết với tỷ lệ rủi ro cao vì nếu khách hàng thay đổi họ có thể "đứt gánh" toàn bộ hoạt động. Nhưng như thế vẫn còn may mắn hơn những công ty do không đủ lực để nuôi quân và không tìm được hợp đồng đã sớm "bỏ cuộc vui", phí hoài bao công gây dựng.

Thực tế có những công ty, tập đoàn lớn đã hăm hở tới Việt Nam vì nghe tiếng tốt nhưng rồi quay đi không trở lại vì họ không tìm thấy cái họ cần tìm. Quy mô ổn định và có khả năng mở rộng để đáp ứng linh hoạt các yêu cầu về outsourcing là điều mà rất hiếm công ty phần mềm VN có được. Cũng bởi lí do này, nhiều công ty phần mềm VN đã phải ngậm ngùi từ chối các hợp đồng outsourcing lớn vì quy mô không đủ đáp ứng.

Nhập cuộc không dễ

Nhìn lại chính mình các DNPMVN thấy có một số lợi thế như: giá nhân công rẻ, chính trị ổn định, kinh tế đang phát triển. Nhưng với chừng ấy để nhập cuộc outsourcing thì chưa đủ.

"Ohayo gozaimasu" (xin chào buổi sáng), ông Trương Gia Bình, chủ tịch VINASA đã mở đầu bài phát biểu của mình trong một hội thảo về thị trường Nhật Bản bằng câu chào tiếng Nhật, "Chính tôi cũng vất vả, trầy trật để học tiếng Nhật với mong muốn vượt qua rào cản ngôn ngữ". Đây có thể coi là rào cản đầu tiên và cũng khó khăn nhất đối với các DNVN. Nói như ông Nguyễn Hữu Lệ chủ tịch của TMA Solution thì "về trình độ, LTV trẻ của Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào nhưng lại gặp trở ngại lớn về ngoại ngữ".

Kinh nghiệm làm outsourcing còn cho thấy phải kiên trì và đầu tư lâu dài. Thông thường, các công ty phần mềm VN phải "nuôi quân" trong nhiều tháng ròng cho đến khi có được một hợp đồng. Cứ tính đơn giản, chi phí cho một LTV tối thiểu khoảng 300 USD/tháng. Nuôi ít thì lo hợp đồng lớn không đủ lực thực hiện mà nuôi nhiều thì rủi ro cao. Để giảm bớt thiệt hại, hầu hết các công ty chọn giải pháp "lấy ngắn nuôi dài". Đó là chưa kể tới những hoạt động đầu tư dài hơi như mở văn phòng, chi nhánh ở nước ngoài, quảng bá truyền thông… đều rất tốn kém tiền của. Nhưng nếu không chịu đầu tư, theo ông Lê Xuân Hải, CEO Vietsoftware International thì: "Sẽ không bao giờ có cơ hội hoặc cơ hội đến mà không đủ sức làm."

Bên cạnh đó, mặc dù chỉ mới nhập cuộc nhưng các công ty phần mềm VN đã sớm vấp phải khó khăn về nhân lực. Giá nhân lực VN trong thời gian qua đang có xu hướng bị đẩy cao hơn 200% so với trước đây do sự chuyển dịch nhân lực thiếu định hướng giữa các công ty. Kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy, nếu không có giải pháp cho vấn đề này, nhân lực có kinh nghiệm sẽ "nhảy hãng" như đi chợ, vì hãng mới luôn trả lương hơn hẳn hãng cũ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến khách hàng Nhật Bản và Âu Mỹ rút khỏi thị trường Ấn Độ.

Phần lớn các công ty vì không đủ lực tài chính hoặc thiếu kiên trì đã bỏ cuộc. Có rất ít công ty nhập cuộc outsourcing một cách bài bản, có chiến lược. Chính tình trạng phát triển tạm bợ đã dẫn tới việc DN phải vơ vét nhân lực trình độ cao của nhau mỗi khi có hợp đồng. Điều này khiến bức tranh outsourcing của VN mang nhiều mảng màu tối hơn là sáng.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, phát triển outsourcing không thể thiếu vai trò định hướng của nhà nước. Một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Israel… sở dĩ phát triển mạnh lĩnh vực này cũng nhờ có các chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước. Trong khi ở VN, từ giá đường truyền, mặt bằng cho thuê, cho tới những vấn đề lớn hơn như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… đều khá nan giải và chưa có hỗ trợ cụ thể. Điều đó, khiến các DNPMVN hầu như đơn thương độc mã trước các bài toán phát triển của ngành. Và đây là thiệt thòi lớn trong cạnh tranh quốc tế, nếu VN muốn vươn tới là một Ấn Độ thứ 2.