Bí mật của Á quân “Developer of the year 2006” kỳ III

Đạt giải Á quân Developer of the year 2006 kỳ III

“Web Services” là sở trường của Lê Mạnh Cường. Cường đã xác định hướng nghiên cứu và sự nghiệp của mình vào công nghệ Java. Là thành viên của Forum Java Việt Nam đã lâu nhưng phải đến kỳ III của cuộc thi Developer 2006 Cường mới có thời gian để tham gia. “Sản phẩm” của Lê Mạnh Cường mang tên “Phát triển Web Service với các công nghệ chuẩn của java”. Viết bài trong 10 ngày, mất thêm hai ngày để đúc kết và chỉnh sửa với độ dài của bài lên tới 21 trang (Word), bao gồm 6 phần trên Diễn đàn, bài viết của Cường được coi là một trong những bài dài và công phu nhất. Kết quả bài viết đạt 96 điểm.

Cường cũng cho biết, đây là bài đầu tiên tham gia Java Việt Nam, trước đây anh chỉ vào đọc tin và tham gia một vài ý kiến. Theo anh, Cuộc thi Developer of the year hoàn toàn có thể mở rộng quy mô hơn nữa để thu hút được nhiều đối tượng tham gia, kể cả chất lượng các bài viết. Thậm chí, nhiều bài viết của các bạn có thể trở thành các đề tài của các buổi Seminar (Offline). Có như vậy Developer of the year mới truyền tải được hết ý nghĩa và vai trò đối với sự phát triển của việc ứng dụng Công nghệ Java tại Việt Nam, một việc làm hết sức thiệt thực cho giới IT Việt Nam nói chung và những người đi sâu nghiên cứu, ứng dụng Java nói riêng.

Lê Mạnh Cường cũng đánh giá cao sự nhiệt tình và chất lượng bài viết của các bạn tham gia Developer kỳ III này, đặc biệt là bạn Trần Đức Minh (đạt giải Nhất) và Bùi Hà Anh Thư (đạt giải Ba). “Họ rất xứng đáng, đặc biệt là sự nhiệt tình cho Cuộc thi và Forum.”

Bắt đầu với việc xác định đường đi đúng hướng

Vào học tại Hanoi-Aptech vào tháng 9 năm 2003, Lê Mạnh Cường quyết dồn tâm huyết cho sự nghiệp CNTT và việc học tại Aptech. Vốn được coi là “hiếu động” với máy móc từ nhỏ, Cường đã tháo ra, lắp vào, biến cái hỏng thành cái không hỏng, biến cái không hỏng thành hỏng với tất cả những gì liên quan đến máy móc, thiết bị điện tử có trong nhà mình.

Không nản lòng với kết quả thi đại học vào Bách Khoa Hà Nội, Lê Mạnh Cường, sau khi đỗ vào Hanoi-Aptech đã quyết tâm học, nghiên cứu và cả đi làm để thực hành ngay những gì học được tại trung tâm.

Sinh năm 1984, nhưng kinh nghiệm làm việc và vị trí công việc hiện tại mà Lê Mạnh Cường đảm nhận thì không nhiều 8X có thể có được, đó là Technique Specialist cho Ho@TechVN một công ty phầm mềm của Pháp có công ty con tại Việt Nam.

Tập trung nghiên cứu về công nghệ Java, không đi nhiều ngả rẽ với các công nghệ khác, Cường quyết tâm học, nghiên cứu và làm việc chuyên sâu về một lĩnh vực yêu thích của mình cho thành thạo.

Chưa dừng lại ở việc chọn hướng công nghệ yêu thích, Lê Mạnh Cường còn thể hiện rõ cá tính của mình như một “bác học” trong một lĩnh vực sở trường. Với trí tò mò, sự say mê và khả năng công nghệ, Cường đi xa hơn những yêu cầu đòi hỏi từ một Developer.

Đã từng làm ở vị trí Lập trình tại các công ty Nedyg, F-Soft từ rất sớm, trong thời gian còn đi học, Cường không muốn dừng lại ở vị trí và công việc này. “Đam mê của tôi là nghiên cứu và nghiên cứu, chính vì vậy tôi không muốn thu động trong công việc. Tôi tin đây cũng là quan điểm của nhiều nguời”. Đó chắc chắn là ước mơ của nhiều Developer nhưng để biến được ước mơ đó thành hiện thực thì không phải ai cũng làm được.

Những “chuyện lạ” của một 8X IT

Trước hết là vị trí làm việc – Technique Specialist. Hiện là 1 trong 4 group leaders của Ho@TechVN, Cường là một trong những nhân viên trẻ tuổi nhất công ty, còn về leader thì chắc chắn là không có ai trẻ hơn Cường ở công ty rồi.

Làm Technique Specialist, không bị gò bó về thời gian, công việc, đặc biệt là ý tưởng nghiên cứu và sáng tạo trong nghề nghiệp. « Mọi người cũng thắc mắc là sao lại không làm ở F-Soft nữa hay là có tiếc không, lý do của tôi đưa ra rất đơn giản đó là tôi cần một môi trường làm việc có sự nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ».

Xuất phát từ những đam mê và định hướng sự nghiệp rất rõ ràng, Cường đã chọn con đường đi khác với bạn bè. « Hiện tại, hơn nửa lớp tôi ở C0309M đã thành lập công ty về Giải pháp CNTT riêng. Hồi đầu tôi cũng có ý định làm như vậy, nhưng suy nghĩ kỹ, tôi quyết định đi con đường riêng đó là cố gắng chuyên tâm vào Java để năm 30 – 40 tuổi có thể trở thành một Chuyên gia trong lĩnh vực này, viết sách hay thuyết trình về chuyên môn chẳng hạn (cười) ».

Vậy là với vai trò và chức năng của một Technique Specialist, Cường đang hăm hở với con đường đi vào thế giới của các chuyên gia IT hàng đầu Việt Nam, khu vực và thế giới trong tương lai.

Còn khoản lương? Có tin nổi không? – Trong khi các bạn cùng trang lứa vừa hăm hở, vừa lo lắng đi kiếm việc làm đầu tiên trong sự nghiệp của mình thì Lê Mạnh Cường đã có chắc chắn trong tay mức lương cứng 5.500.000 VNĐ/tháng, một mức lương đáng “nể phục” với giới 8X thuần tuý “làm công ăn lương” hiện giờ (và lưu ý đó là mức lương chứ không phải thu nhập).

Khả năng tiếng Anh? – Sếp trực tiếp quản lý Cường là IT Director, một người Pháp ở công ty mẹ, nên tiếng Anh của Cường phải rất tốt.

Phải trao đổi, bàn bạc thuyết trình trực tiếp với Sếp nên tiếng Anh không thể không đáp ứng được những yêu cầu đó. Nếu biết tiếng Pháp thì tốt quá những chưa có cơ hội học nên phải chuyên sâu vào tiếng Anh thôi.

Khi được hỏi, Cường đã học tiếng Anh lâu chưa?, Cường cho biết “khi tốt nghiệp lớp 12, tiếng Anh cũng chỉ như các bạn để có thể tốt nghiệp, sau đó do phải đọc tài liệu và học tại Aptech nên buộc phải học tiếng Anh thật tốt, đặc biệt là các thuật ngữ, rồi dần dà tiếp xúc nói chuyện nhiều cũng thành quen hơn nữa cũng buộc phải tự trau dồi vốn tiếng Anh bằng các khoá học.”

Bí mật của một 8X IT (rất ngạc nhiên và đặc biệt thú vị).

  • Vị trí leader, lương cao mà “không có” chiếc Mobile nào trong tay.
  • Công việc nhiều và quan trọng những không có chiếc PC hay Laptop nào riêng cho mình.
  • “Con dân” của Công nghệ nhưng không phải lúc nào cũng sử dụng Chat YM.

(Còn nhiều thú vị để khám phá về Lê Mạnh Cường. )

“Cũng không có gì đặc biệt”, Cường cho biết “Tôi bán máy tính từ đầu năm 2006, điện thoại đã không dùng cách đây gần 1 năm. Mọi người cho rằng với thời đại này, đặc biệt là công việc hiện nay của tôi thiếu những dụng cụ đó xem ra rất bị “lạc lõng”, nhưng tôi không nghĩ vậy.

Tôi làm việc và sống có kế hoạch rất cụ thể và rõ ràng. Thời gian làm việc là làm việc, mọi vấn đề có liên quan đến công việc đều được dành trong thời gian ở công ty. Ngoài thời gian làm việc là gia đình, bạn bè và cuộc sống riêng của tôi.

Nói chung là tôi hướng mình vào thói quen rất hệ thống và logic, có như vậy tinh thần của tôi mới đảm bảo được sự thoải mái để sẵn sàng với công việc mà tôi đang và sẽ làm, một công việc đòi hỏi sự đầu tư cũng như trí lực cao nhất, nếu không mình sẽ bị đào thải lúc nào không biết”.

Cường cho biết, những người thân của Cường đã quen với cách sống này của Cường. Ví dụ, họ biết tìm Cường ở Công ty trong giờ làm việc, tìm Cường ở lớp tiếng Anh trong 3 buổi tối 1 tuần, thăm Cường ở Hanoi-Aptech (19 Nguyễn Trãi) trong những ngày không học tiếng Anh trong tuần còn 2 buổi tối thứ 7 và Chủ Nhật thì … (xin đừng có tìm Cường).